Ngày 07/10/2022, Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Kết luận số 137-KL/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 17/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, xác định mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cả về quy mô và chất lượng.
Toàn cảnh Quảng trường Hùng Vương (thành phố Bạc Liêu)
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Các cấp ủy, chính quyền phải tiếp tục đổi mới tư duy và quan tâm đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch; định hướng phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân.
Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư mới các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng, khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch trọng điểm, nhất là các điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long nhằm nâng cao thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Bạc Liêu trên thị trường du lịch. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án về dịch vụ du lịch và các khu phức hợp quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao; ưu tiên nguồn vốn đầu tư và nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch và các tuyến giao thông đến các điểm du lịch, các tuyến đường cao tốc kết nối Bạc Liêu với các địa phương.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và quốc tế; phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí để tuyên truyền, quảng bá du lịch Bạc Liêu; tăng cường liên kết, hợp tác, kết nối tour, tuyến du lịch với các tỉnh, thành phố có du lịch phát triển. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch các cấp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ sở kinh doanh du lịch cả về quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, tuyên truyền, giao dục kiến thức về văn minh thương mại, ứng xử có văn hóa, thân thiện với du khách.
Rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư phát triển chính sách; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến du lịch, nhất là Hiệp hội Du lịch tỉnh Bạc Liêu. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành; kiểm soát chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên, hệ thống cơ sở lưu trú và các cơ sở dịch vụ du lịch; xử lý dứt điểm tệ nạn đeo bám, ép khách, nâng giá, cướp giật, đảm bảo vệ sinh môi trường, sắp xếp trật tự, mỹ quan đô thị, an toàn thực phẩm và an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch.
Ngô Thời Nhiệm